Bài toán khan hiếm sản phẩm và giá nhà đất tiếp tục chiều hướng gia tăng trong năm 2019 và các năm tới
Bên lề hội nghị mới đây, ông Sử Ngọc Khương, Giám đốc đầu tư Savills cho rằng, cuối năm cả giá và giao dịch BĐS có xu hướng tăng lên, trong đó, phân khúc đất nền, nhà phố sẽ tăng giá mạnh hơn phân khúc chung cư.
Đặc biệt, trước bối cảnh khan sản phẩm mới và chủ trương tập trung đầu tư vào khu ven Tp.HCM, thị trường BĐS các năm tới dự báo đi theo hướng: hoạt động nhà đầu tư (NĐT) gom đất để phân lô bán nền sẽ nở rộ.
Tương tự, đại diện một doanh nghiệp có trụ sở tại Q.7 nhận định: Hiện tại, quỹ đất nhỏ lẻ là nguồn hàng rất quý hiếm của các NĐT. Tại khu ven Tp.HCM như huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn… dường như ngày nào cũng có NĐT tìm kiếm quỹ đất để chờ thời điểm phân lô bán nền.
Có giai đoạn, việc tìm kiếm quỹ đất của doanh nghiệp, NĐT rất khó khăn, có thể nói không có hàng để mua lại. Đây cũng sẽ là loại hình được nhiều doanh nghiệp nhỏ hướng đến trong năm 2019 và các năm tiếp theo.
Chia sẻ về bức tranh thị trường BĐS năm 2019, ông Nguyễn Minh Khang, Tổng giám đốc LDG cho rằng, năm 2019 thị trường BĐS sẽ không ảm đạm, thay đổi cục bộ, các chủ đầu tư có xu hướng dồn về khu ven, lân cận Tp.HCM triển khai dự án.
Thời điểm này, theo ông Khang cơ chế chính sách chung của chính quyền thay đổi nên đã ảnh hưởng đến việc ra hàng của doanh nghiệp BĐS, khiến thị trường bị chậm lại. Thị trường bị khó theo cục bộ.
Do đó, các năm tiếp theo nếu muốn phát triển, các doanh nghiệp BĐS cần xô bản kế hoạch đầu tư, bức tranh đầu tư thì mới được quan tâm. Đồng thời, cơ chế về lãi suất, chính sách vĩ mô phải được điều tiết ổn định thì thị trường BĐS mới phát triển được.
"Hiện nay, cái vướng của thị trường là tiền sử dụng đất quá cao, điều này sẽ đẩy giá BĐS lên cao, khó cho cả chủ đầu tư và người tiêu dùng. Năm 2019 nếu không có phương án về tiền sử dụng đất sẽ khiến việc tiêu thụ sản phẩm của doanh nghiệp giảm, sức mua giảm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp BĐS gặp khó khăn đầu ra và chi phí", ông Khang nhấn mạnh.
Vị lãnh đạo này kiến nghị, nhà nước nên nhanh chóng nghiên cứu giá đất, sao cho việc tăng hay giảm giá đất phải phù hợp với thu nhập của người dân. Tình trạng chi phí đầu vào cao sẽ khiến tốc độ phát triển của doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM chậm lại.
Theo ông Khang, bức tranh BĐS năm 2019 và những năm tiếp theo tại Tp.HCM, chính phủ sẽ điều tiết thị trường mang tính chất cục bộ từng khu vực chứ không mang tính chất vĩ mô. Xu hướng các chủ đầu tư và cả người mua sẽ dồn về khu ven để triển khai dự án và mua sản phẩm.
"Cơ hội phát triển BĐS khu ven và lân cận Tp.HCM còn rất lớn, 5 năm tới BĐS các khu vực như Đồng Nai, Bình Dương, Long An sẽ phát triển ổn định và bền vững cho các doanh nghiệp đầu tư ở khu vực này", ông Khang khẳng định.
Đồng quan điểm, ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, trong khi quỹ đất trung tâm Tp.HCM ngày càng khan hiếm và tăng giá cao thì các khu vực lân cận là điểm sáng của thị trường BĐS trong những năm tới.
Tuy nhiên, cũng giống như năm 2018, các năm tiếp theo câu chuyện quỹ đất là bài toán khó đối với các doanh nghiệp địa ốc. Chính từ việc khó tìm quỹ đất triển khai dự án vì giá đã quá cao sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến nguồn cung của thị trường BĐS trong tương lai. Thậm chí, bài toán khan hiếm sản phẩm và giá nhà đất tiếp tục chiều hướng gia tăng là điều dễ hiểu trong những năm tới.
Theo Trí thức trẻ